Đất là nguồn tài nguyên quý giá đối với mọi sinh vật cũng như sự tồn tại và phát triển của con người, là giá đỡ cho toàn bộ sự sống trên Trái đất. Nhưng hiện nay vấn đề gia tăng dân số đang là mối đe dọa tới tài nguyên đất, bên cạnh đó việc sử dụng không hợp lý các nguồn tài nguyên đất cũng gây nguy cơ suy thoái đất và hoang mạc hóa, làm cho đất mất khả năng canh tác.
Đứng trước tình hình chung của thế giới như vậy Viện SPERI đã đi đầu trong công cuộc cải tạo phục hồi đất hoang hóa, tiến hành xây dựng các mô hình Nông nghiệp Sinh thái như mô hình CCCD -Đồng Lê - Quảng Bình, mô hình Nà Sán - Simacai, mô hình HEPA - Hương Sơn. Để minh chứng cho quá trình cải tạo đất bằng các giải pháp Sinh thái viện SPERI đã phối kết hợp với sinh viên nghiên cứu đề tài tốt nghiệp đánh giá về tính chất đất của mô hình Nông nghiệp Sinh thái HEPA.
Quá trình tiến hành thí nghiệm, phân tích số liệu và viết báo cáo được thực hiện bởi Em sinh viên Nguyễn Thị Lệ Chi dưới sự hỗ trợ hợp tác của cán bộ nghiên cứu, học sinh SPERI từ tháng 02 đến tháng 05/2012.
Mục tiêu của quá trình nghiên cứu đất tại Mô hình Nông nghiệp sinh thái HEPA (Thượng Uyển):
- Tìm hiểu hiện trạng sử dụng đất tại mô hình Thượng Uyển.
- So sánh một số chỉ tiêu phân tích đất giữa các mô hình hiện thúc đẩy phương thức sử dụng đất NNST. (So sánh giữa mô hình NNST Thượng Uyển với hai mô hình: Mô hình NNST Cây Khế của khu bảo tồn và một mô hình ở ngoài dân Đội 9)
- So sánh hiện trạng sử dụng đất ở mô hình Thượng Uyển và Báo cáo bản đồ đất Khu Bảo tồn Sinh thái Nhân văn Vùng cao năm 2003 (trang 13, trang 20).
- Đề xuất một số giải pháp canh tác đất dốc trên mô hình Thượng Uyển.