Thực tiễn cho thấy một điều rất rõ về vai trò quyết định của người thủ lĩnh cộng đồng - Già làng và Hội ‘Nò Sòng’ trong việc duy trì các giá trị chuẩn mực, cấu trúc và qui định truyền thống, điều hòa các mối quan hệ gia đình và dòng họ, góp phần ổn định đời sống và quản lý bền vững các dạng TNTN trong các vùng phòng hộ đầu nguồn.
Tính thống nhất giữa các Trưởng họ của người Hmông trong vùng ‘Phu Sủng’ dưới sự dẫn dắt, tư vấn của Hội ‘Nò Sòng’ và người thủ lĩnh của cộng đồng - Già làng là cầu nối trong việc khâu nối những nhu cầu, mong muốn và sáng kiến của người dân với các quyết định của Thủ lĩnh cũng như các chủ trương, chính sách của Nhà nước.
Giá trị niềm tin, chuẩn mực giá trị, luật tục truyền thống và kinh nghiệm bản địa của người Hmông_Lóng Lăn là nền tảng hình thành nên tính tự nguyện, tự chịu trách nhiệm của các thành viên trong mọi quyết định cũng như kế hoạch phát triển của cộng đồng mình. Trên cơ sở đó, cộng đồng tự hình thành các mạng lưới/nhóm cùng sở thích trong việc quản lý và sử dụng hiệu quả các dạng TNTN và cải thiện đời sống của người dân trong cộng đồng.
Tìm kiếm và đào tạo các thanh niên trẻ trong cộng đồng, những người có tiềm năng trong điều phối các hoạt động phát triển cộng đồng, và có tố chất về lãnh đạo để trở thành những người kế cận lâu dài trong hệ thống quản trị truyền thống.
Củng cố dân chủ cơ sở chính là quá trình nghiên cứu kỹ, nhận dạng và lồng ghép những yếu tố trên với hệ thống chính sách, cấu trúc chính thống. Phân quyền có hiệu quả khi hệ thống quản trị bản địa, luật tục và giá trị đạo đức cộng đồng được nhận dạng và công nhận. Sáng tạo của người dân được phát huy khi có môi trường phát huy tối đa ý kiến của người dân, đó là cơ chế dân chủ. Có thể thấy từ khi huyện Luang Prabang phê duyệt công nhận bản quy chế cộng đồng của bản Lóng Lăn dựa trên luật tục truyền thống của người Hmông và thực hiện giao đất giao rừng cho các hộ gia đình và cộng đồng, người dân Lóng Lăn đã hoàn toàn chủ động trong việc kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm đến tài nguyên rừng của họ.