10 giờ ngày 10 tháng 7 năm 2009: Trao đổi, chia sẻ với ông Sổm Phong - Giám đốc Sở NLN tỉnh Luang Prabang (PAFO), cùng tham gia có ông Phon Thip.
Ông Sổm Phong: Tôi cũng đã biết thông tin ông Kênh đến thuê đất của Lóng Lăn. Tôi cho rằng người dân Lóng Lăn hoàn toàn có quyền quyết định vấn đề này. Bởi vì từ năm 2005, huyện Luang Prabang cùng với PAFO đã tổ chức giao quyền quản lý, sử dụng đất cho các hộ gia đình và cộng đồng bản Lóng Lăn. Điều quan trọng là tất cả các vùng đất đều có quy chế quản lý và có chủ. Quy chế này được xây dựng từ người dân và đã được chính quyền công nhận. Vì vậy, người dân Lóng Lăn có quyền quyết định với mảnh đất của mình. Tất nhiên, những quyết định đó phải đúng theo luật đất đai. Nay ông Kênh đến thuê đất, dân không cho thì chịu, không ai tác động được.
Khi ông Phon Thip đưa ra quyết định của phó chủ tịch tỉnh Luang Prabang thành lập tổ khảo sát để giao đất, ông Sổm Phong ngạc nhiên và nói: Trước hết tôi phản đối việc tư nhân thuê đất của dân, tôi lại càng phản đối việc phá rừng để trồng bất cứ loại cây gì. Quyết định của phó chủ tịch tỉnh Luang Prabang sai với Quyết định 743 ngày 8/5/2009 của Hội đồng Chính phủ Lào về việc cho dừng lại các nhà đầu tư, kinh doanh thuê đất để trồng các loại cây. Quyết định này đang ở đâu? Tôi đã đọc được trên mạng. Hiện nay các văn phòng chưa có văn bản này.
Hỏi: Theo ông, giải quyết vấn đề này như thế nào?
Ông Sổm Phong: Bản Lóng Lăn có thể làm việc với ông Kênh là không cần thuê đất, chỉ cần thu mua sản phẩm.
Hỏi: Nhưng bản Lóng Lăn đã đề nghị với ông Kênh vấn đề này rồi, nhưng ông Kênh chỉ muốn thuê đất?
Ông Sổm Phong: Thế thì không được. Bản Lóng Lăn nên đoàn kết với nhau viết đơn gửi lên huyện Luang prabang. Huyện là người trực tiếp giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp này phải theo dân chứ không thể theo ông Kênh. Tôi là người ủng hộ bản Lóng Lăn.
Hỏi: Để ngăn chặn ngay từ đầu, nên chăng bản Lóng Lăn có văn bản gửi lên huyện, tỉnh không cho ông Kênh thuê đất, văn bản này ngoài chữ ký của lãnh đạo bản, già làng, còn có chữ ký của tất cả những hộ dân trong bản?
Ông Sổm Phong: Tôi đồng ý với cách làm này. Trước khi đoàn khảo sát xuống thì huyện phải giải quyết văn bản này trước. Nếu giải quyết xong thì có thể không cần đoàn khảo sát kia nữa.
14 h ngày 10/7/2009 - Tại VP CHESH Lào: Ông Chơ Xy Zang thông báo qua điện thoại là lúc 14 giờ 30 phút chiều nay (10/7/2009) đã có cuộc gặp mặt của Phó chủ tịch tỉnh và đoàn khảo sát (những người có tên trong quyết định). Văn phòng CHESH Lào đề nghị ông Chơ Xy trao đổi lại ngay với ông Bia Tua và ông Xay Khư trước khi đi họp 3 nội dung sau:
ü Đất, rừng của Lóng Lăn được huyện Luang Prabang giao cho quản lý từ năm 2005. Tất cả các vùng đất, vùng rừng đều có quy chế sử dụng. Quy chế này cũng đã được huyện phê duyệt, đồng thời quy chế này được thông qua ‘Nò Sồng’ (Luật bảo vệ rừng của người H’mông huyện Luang Prabang), được mặt trận tỉnh đồng ý, do đó bản Lóng Lăn có quyền quyết định đến đất đai của bản, phù hợp với luật đất đai.
ü Bản Lóng Lăn cương quyết không đồng ý cho ông kênh thuê đất vì bản Lóng Lăn không có đất để trồng cà phê, hơn nữa nếu cho ông Kênh thuê đất thì làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, văn hoá của bản (có thể lấy ví dụ như ông Kênh lừa dối trồng ngô, thu mua cà phê), bản Lóng Lăn sẽ gửi kiến nghị có chữ ký của người dân gửi lên huyện và tỉnh vấn đề này.
ü Khi chưa được sự đồng ý của bản thì đoàn khảo sát chưa được xuống bản. Khi xuống phải có cán bộ phòng nông lâm nghiệp và lãnh đạo huyện đi cùng.
Ông Chơ Xy chia sẻ lại rằng nhóm người H’Mông chúng tôi (Chơ Xy, Bia Tua, Xay Khư và Bun Phêt (Bun Phết hiện đang làm tại Tổng Công Đoàn Trung ương Lào - Là anh em họ hàng với ông Xay Khư và Chơ Xy) đã thảo luận thống nhất cả tối hôm qua rồi. Cũng giống như ý tư vấn của CHESH Lào, dù bất cứ giá nào cũng không cho ông Kênh thuê đất vì cho thuê là mất, mất rất nhiều thứ. Chúng tôi có nhiều người trên trung ương ủng hộ lắm.
17h ngày 10/7/2009 - Tại VP CHESH Lào: Gặp mặt ông Bia Tua, ông Xay Khư, ông Za Nu Ly, cùng tham gia có tất cả cán bộ CHESH Lào.
Ông Xay Khư Zang báo cáo: Cuộc họp chiều nay với phó chủ tịch tỉnh thành công như mong muốn của ta. Lúc đầu Ông Phó chủ tịch tỉnh nói phải đi kiểm tra thu thập các thông tin trước có thật hay không, phù hợp về việc trồng cà fê hay không. Phải kiểm tra vùng đất cụ thể có thật hay không mới là những việc khác sau. Nhưng sau khi nghe ông Bia Tua phản ứng, ông phó chủ tịch nói lại:Tôi nghe bản Lóng Lăn có 10.000 ha đất. Tôi tưởng còn nhiều đất lắm nên mới ra quyết định. Hoá ra đất đã có chủ hết và có quy chế sử dụng. Hơn nữa vấn đề thuê đất trước hết phải được dân đồng ý, dân không đồng ý thì không thuê được vì họ có quyền. Nếu dân không ủng hộ khi C.ty sản xuất ở đó xảy ra chuyện gì thì dân không chịu trách nhiệm.
Theo ông Bia Tua, khi đoàn xuống khảo sát thì phải báo cho bản trước 24 giờ và phải được sự đồng ý của bản. Khi xuống, ngoài các thành viên trong đoàn, cần có trưởng phòng nông lâm nghiệp huyện (Xổm Văng) và phó chủ tịch huyện. Ông Phó chủ tịch đồng ý với ông Bia Tua và bảo từ từ rồi đoàn khảo sát sẽ xuống (có lẽ ông đã xuống nước).
Việc tiếp theo, Bản ta phải làm gì? Nên chăng họp toàn bản lại để lấy chữ ký toàn dân phản đối việc thuê đất của ông Kênh! Ông Xay Khư nói ngay: Đúng vậy, tôi đã bàn thống nhất với ông Bia Tua, ông Chơ Xy và ông Bun Phết rồi. Chúng tôi dự định làm 3 bước:
- Bước 1: Họp những người tâm huyết với bản Lóng Lăn, những người yêu đất, yêu rừng Lóng Lăn và phản đối ông Kênh
- Bước 2: Họp những người còn lừng khừng, nửa thì theo bản, nửa thì muốn có tiền ngay để theo ông Kênh để làm công tác tư tưởng cho họ, phân tích cho họ thấy cái lợi, cái hại của việc cho thuê đất
- Bước 3: Họp toàn dân bản - chỉ cho toàn dân thấy lợi hại của thuê đất. Sau đó lấy chữ ký của toàn dân bản.
Như vậy là chắc thắng, nên làm như vậy vì trong bản hiện nay có 3 người đồng ý cho thuê đất là ông Pa Chông Zang, Za Zi Zang và Vả Xêng Zang - đây là 3 anh em ruột, từ lâu đã ủng hộ ông Kênh như đợt năm ngoái. Sau khi có chữ ký của toàn dân rồi, ta trực tiếp gửi lên lãnh đạo huyện, lãnh đạo tỉnh và cả PAFO nữa, tôi tin chắc ông Phó chủ tịch cũng phải ‘chờn’.
Ông Bia Tua bàn với ông Xay Khư và Nu: Nên bắt đầu từ chiều mai (11/7) vì dân bản đi làm, tối nay và sáng mai chỉ kịp báo cho họ thôi. Mọi người nhất trí: 5 giờ chiều 11/7 họp cuộc họp thứ nhất. 8 giờ tối họp cuộc họp thứ hai và sáng 12/7 họp cuộc họp thứ ba. Anh Za Nu Ly chịu trách nhiệm ghi biên bản và lấy chữ ký. Câu chuyện vẫn đang còn tiếp diễn…