1. Khái quát chung về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đảm bảo mục đích sử dụng rừng:
Để có được một mô hình nghiên cứu và phát triển bền vững nguồn tài nguyên rừng; bảo tồn được tính đa dạng sinh học tự nhiên; tạo tiền đề cho học sinh, sinh viên, chuyên gia, các nhà nghiên cứu cũng như các nhà lập định chính sách về bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, những người dân vùng đầu nguồn đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm, nhằm nhân rộng ra các vùng khác nhau; Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái Nhân văn Vùng cao (CHESH) đã xây dựng và trình các cấp thẩm định, phê duyệt luận chứng: “Nghiên cứu và phát triển mô hình bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý bền vững tài nguyên rừng tại lưu vực đầu nguồn sông Ngàn Phố, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh”, gọi tắt là mô hình HEPA.
Sau khi luận chứng mô hình HEPA được Liên Hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam phê duyệt 1 , UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định2 giao cho Trung tâm HEPA 285,4 ha đất rừng tại Tiểu khu 70 và 72 thuộc Rào Àn, sông Ngàn Phố, nằm trên địa giới hành chính của xã Sơn Kim 1 và xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Toàn bộ diện tích rừng được giao của mô hình HEPA là rừng thứ sinh trước đây thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp và dịch vụ Hương Sơn mà tiền thân của nó là Lâm trường Hương Sơn quản lý.
Do lịch sử để lại với những lỗ hổng về chính sách bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng trước đây, cũng như công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng rừng tự nhiên của đơn vị quản lý còn nhiều bất cập, yếu kém dẫn đến rừng bị khai thác kiệt quệ, cấu trúc rừng tự nhiên bị biến đổi, tình trạng khai thác gỗ, săn bắt thú rừng trái phép diễn ra trong thời gian dài tại thời điểm những năm 1990. Mốc đổi mới nông lâm trường vào những năm 1990 trở thành các công ty dịch vụ nông - lâm nghiệp là thời kỳ rừng bị khai thác ồ ạt và bừa bãi. Hậu quả đã làm cho tính đa dạng sinh học trên diện tích đất rừng của mô hình HEPA nói riêng cũng như rừng đầu nguồn sông Ngàn Phố nói chung bị xâm hại nghiêm trọng cần phải được bảo vệ kịp thời để bảo tồn được tính đa dạng sinh học của khu vực này. |
|