‘Nào Lồng’ (còn được gọi là ‘Nò Sồng’, ‘Tông Sênh’, tuỳ theo phát âm của từng vùng) là một lễ hội đặc sắc, để giữ gìn luật tục, quy ước của người H’mông ở huyện Si Ma Cai cũng như người H’mông ở nhiều nơi khác. Nào Lồng có nguồn gốc từ lâu đời, được người H’mông duy trì liên tục qua nhiều thế hệ, nên nó trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng.
Nào Lồng và các quy định của ‘Nào Lồng’ không chỉ thay đổi theo thời gian, mà còn được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với đặc thù của từng vùng. ‘Nào Lồng’ ở từng thôn còn được gọi là ‘Mí Nào Lồng’, có nghĩa đen là “lễ thề nhỏ, ăn vào ngày Rồng (Thìn)”, thường được tổ chức vào đầu tháng 2 hoặc đầu tháng 3 âm lịch.
Lễ hội liên thôn bản còn được gọi là ‘Nả Nào Lồng’ (nghĩa là Nào Lồng lớn), khác với lễ hội cấp thôn ở quy mô, phạm vi, số người tham gia, thời gian tổ chức. Lễ hội liên thôn bản ở xã Cán Hồ được tổ chức vào tháng 6 âm lịch, vào trước ngày Rằm, thường là ngày Rồng, riêng năm Rồng thì tổ chức vào ngày Chó (Tuất). Chọn ngày Rồng hoặc ngày Chó vì người H’mông nghĩ rằng hai con vật này mang lại sự bình yên cho cộng đồng.
Nhận thấy ý nghĩa thiết thực của lễ hội đối với quản lý cộng đồng, bảo vệ tài nguyên rừng, đất, nước, nên chính quyền các địa phương quan tâm, ủng hộ cộng đồng tổ chức lễ hội. Cùng với đóng góp tự nguyện của các hộ dân, chính quyền huyện Si Ma Cai cùng các xã hỗ trợ một số kinh phí, cử cán bộ tham gia và chia sẻ với đồng bào. Vì di chuyển và nhiều biến cố khác nhau, nên người H’mông ở một số nơi không còn giữ được ý nghĩa nguyên vẹn của lễ ăn thề, giữ gìn thể chế truyền thống . Vì thế, việc chia sẻ, học hỏi và khôi phục lại các giá trị văn hoá vốn có của lễ hội là điều cần thiết, là nhu cầu chính đáng của đồng bào.
Năm nay bà con Cán Hồ vui mừng đón một một số già làng người H’mông từ Luang Prabang, nước bạn Lào đến dự lễ hội. Các thành viên đến dự đều thấy rõ ý nghĩa của lễ hội. Ông Chơ Xi Giang, trưởng phòng Tổ chức huyện Luang Prabang nói: “Đối với vùng Cán Hồ, họ có đoàn kết, lòng tin, đến ngày đến tháng là làm lễ theo phong tục. Lễ hội này sẽ tuyên truyền nhận thức, truyền thống cho các con cháu sau này, cho nó không mất đi. Nếu không giữ được thì khôi phục lại rất là khó”. Ông Di Zi Vang, cán bộ đài Truyền thanh Luang Prabang cho biết: “Nào Lồng ở Lào rất ít có, tôi chỉ nghe họ nói là xưa có lễ này, nhưng cách họ làm thế nào thì chưa thấy. Ở đây tôi học được cách tổ chức, chuẩn bị lễ thế nào”. Ông Ly Pao, trưởng hội người H’mông Luang Prabang nói: “Tôi có nghe từ đời ông bà, cha mẹ có tổ chức Nào Lồng, nhưng gần đây không có ai tổ chức. Làm được lễ này thì người H’mông yên tâm rồi, họ tin là tránh được lũ lụt, bớt con sâu ăn lúa. Sang đây học được những bài học này thì tôi sẽ chia sẻ lại với các thành viên, anh em trong hội người H’mông ở Lào”.
Như vậy đây là dịp chia sẻ, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của người H’mông, mà còn tăng cường tình đoàn kết cộng đồng, góp phần phát triển hữu nghị Lào-Việt và ngoại giao nhân dân nói chung.