Đến nay nhà nước Việt Nam đã có những quy định về quyền sử dụng đất, rừng của cộng đồng dân cư cấp thôn, bản. Tuy nhiên vẫn còn khoảng cách giữa văn bản luật với thực tế cuộc sống. Tại nhiều nơi đất rừng đã từng được xác định thuộc sở hữu truyền thống của cộng đồng, nhưng lại bị các công ty, nông, lâm trường, ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chồng lấn quyền sử dụng theo luật. Đây là nguy cơ tiềm ẩn các xung đột, bất ổn xã hội do tình trạng người dân mất đất, cộng đồng thiếu không gian giữ gìn và thực hành các giá trị văn hóa. Nghị định 200/2004/NĐ-CP, Thông tư 38/2007/TT-BNN đã đề cập đến việc sắp xếp, đổi mới các nông lâm trường để có quỹ đất rừng giao cho cộng đồng và người dân địa phương. Tuy nhiên còn nhiều vướng mắc, như việc giải chồng lấn đất rừng bởi nhiều chủ thể qua nhiều thời kỳ; khả năng huy động tài chính và hoàn thiện thủ tục cấp đất của cộng đồng. Chính vì thế cần có các mô hình và nhân rộng mô hình giao đất rừng có sự tham gia tích cực của cộng đồng cùng với việc xây dựng và thực thi quy chế bảo vệ, phát triển rừng bởi chính cộng đồng. Chỉ khi nào làm tốt việc này thì an toàn sinh kế, bản sắc văn hóa của từng cộng đồng sẽ được bảo đảm song hành với các lợi ích của nhà nước về an ninh và phát triển ổn định.